Từ nguyên Bản

Từ bản được sử dụng trong vùng cư trú của các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai với ngôn ngữ điển hình là tiếng Thái. Trong tiếng Thái หมู่บ้าน đọc là muban, nhưng thường nói gọn là ban, gồm hai thành phần là หมู่ là nhóm và บ้าน là nhà, từ đó mang ý mới là cấp độ thấp nhất của khu dân cư.

"Bản" tương đương với làng hay thôn của người Kinh, với buôn (plei) ở Tây Nguyên, sóc ở vùng người Khmer, và thường được dịch sang tiếng Anh là hamlet.

Cấp độ cao hơn của khu dân cư, gồm nhiều bản, là "mường" (muang) và "chiềng" (chiang, xiang, xieng), có thể tương đương với xã, tổng (liên xã) hoặc huyện ở vùng của người Kinh. Tại Lào hiện dùng từ muang cho đơn vị hành chính cấp huyện (district), nhưng ở Việt Nam và Thái Lan thì không còn sử dụng.

Qua biến động lịch sử lâu dài thì một bản (hay mường, chiềng) có thể đã phát triển hay thu hẹp, và có thể thay đổi về sắc tộc đến cư trú nhưng tên gọi vùng dân cư vẫn giữ như cũ.

Ngày nay tại Thái Lan, Lào thì ban được đặt trước tên chính thức của bản, tạo ra địa chỉ. Ví dụ thị trấn Lak Sao trên Đường 8 bên Lào, lối cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh sang, được ghi là "Ban Lak Sao".

Tại Việt Nam và Trung Quốc thì trong vùng cư trú của người Thái, Tày, Nùng, Choang, thói quen đã dẫn đến trong khẩu ngữ thường bỏ qua từ "bản" nếu tên bản có hai từ trở lên, ví dụ (bản) Nậm Sin, (bản) Cốc Lầy,... Từ "bản" không bỏ qua khi tên bản chỉ có một từ, ví dụ "bản Phiệt", "bản Cầm",... hoặc khi cần chỉ rõ cấp độ hành chính ví dụ "... tại bản Nậm Sin xã Bản Phiệt...".

Tại Việt Nam điều này dẫn tới khi lập tên xã dựa trên tên của một bản trong xã, thì "bản" trở thành thành tố tạo địa danh, ví dụ xã Bản Phiệt, xã Bản Cầm,...